Bệnh COPD



Trong mọi hội nghị hô hấp, COPD luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu do gánh nặng bệnh tật, tần suất và tỉ lệ tử vong to lớn mà bệnh gây ra cho người bệnh.

Tại VN, với sự đô thị hóa, tình trạng ô nhiễm và đặc biệt là tỉ lệ hút thuốc lá cao, tỉ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính rất cao. Trong số 12 quốc gia được Hội Hô hấp châu Á - Thái Bình Dương đưa vào nghiên cứu, VN có tần suất người trên 30 tuổi bị COPD cao nhất: 6,7%.

Về bệnh học, COPD là một bệnh lý của toàn bộ thành phần của phổi. COPD làm tăng số lượng và kích thước các tuyến tiết chất nhầy, làm tiết đàm nhiều và đặc hơn. Tại các đường dẫn khí nhỏ, thành ống khí dày lên do viêm + đàm tiết nhiều dần dần dẫn đến tắc nghẽn không thể phục hồi. Nhu mô phổi cũng bị phá hủy do chất tiêu hủy protein sinh ra trong quá trình diễn tiến bệnh. Thành mạch máu tại phổi cũng bị dày lên. Tất cả biến đổi trên tại phổi gây ra các triệu chứng ho, khò khè, khó thở và dễ mệt của bệnh nhân COPD.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy COPD còn là một bệnh lý toàn thân. Những hóa chất gây viêm sinh ra do hít phải khí và hạt độc hại tại phổi sẽ theo máu vào tủy xương và từ đây phát tán toàn thân. Ảnh hưởng toàn thân của COPD được thấy rõ nhất ở việc khối lượng cơ bị giảm dần.

Bệnh nhân COPD thường gầy gò do các cơ bị tiêu hủy, kể cả các cơ hô hấp. Vì thế bệnh nhân càng khó thở hơn. Một vòng luẩn quẩn phát sinh: càng khó thở thì càng ít vận động, ít giao du. Cùng với mọi vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh do bệnh tật, bệnh nhân COPD dễ rơi vào trầm cảm, càng chán ăn, tình trạng teo cơ càng nặng, càng khó thở và tự cô lập với xã hội.

Với nhận thức COPD là một bệnh toàn thân, y học ngày nay quan tâm đến nhiều mặt của cuộc sống bệnh nhân COPD. Đó là mức độ khó thở, khả năng vận động khối lượng cơ, chất lượng cuộc sống, những cơn kịch phát. Mục tiêu điều trị không chỉ chú trọng đến chức năng phổi mà còn hướng đến mục tiêu giúp bệnh nhân nâng cao thể trạng, cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp bệnh nhân yêu đời, hoạt động tích cực và hòa nhập tốt hơn với cuộc sống cộng đồng.

Tất cả điều đó nói lên rằng bệnh nhân COPD không hề đơn độc trong cuộc chiến chống lại căn bệnh được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” này. Nếu được chẩn đoán sớm, điều trị đúng, bệnh nhân hoàn toàn có khả năng được hưởng một cuộc sống có chất lượng và năng động hơn.
(Theo Tuổi trẻ)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thị trường kế tự động Humphrey (phần 5) - Bài Giảng

Mười chiến lược chăn dắt đám đông của những kẻ thái nhân cách

Dân Mỹ cảm thấy bị đe dọa bởi Chính phủ trong khi dân Nga hoàn toàn tin tưởng Tổng thống